Những cái tên trên lưng áo và niềm tin cho cuộc chiến

Áp lực công việc, nhiều lúc không còn đủ hơi để gọi rõ tên được nữa, các nhân viên y tế không thể nhận ra nhau, họ phải viết tên lên sau lưng áo để phân biệt - chỉ từng ấy cũng đủ để tôi tin rằng, cuộc chiến mới với “giặc Covid-19”, dù sẽ còn khốc liệt, nhưng chúng ta sẽ lại chiến thắng.


Một chiến sĩ phòng hóa học nhận nhiệm vụ phun hóa chất khử khuẩn trong Bệnh viện Đà Nẵng, đặt tay lên ngực thể hiện quyết tâm, ngày 26/7.

Thực ra việc sẽ phải đương đầu với một cuộc chiến dịch bệnh mới, hay nói cách khác là sẽ phải ứng phó với Covid-19 đợt mới là điều đã nằm trong định liệu của chúng ta.

Bởi trong gần 100 ngày Việt Nam giữ vững “kỷ lục” không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng thì bên ngoài biên giới đất nước hình chữ S, cuộc chiến với đại dịch Covid-19 vẫn không hề bớt cam go. Chưa hết “hoàn hồn” với làn sóng Covid-19 thứ nhất, làn sóng Covid-19 lần thứ 2 đã tựa như đợt“sóng thần” mới, ào tới, tấn công, khiến hàng loạt quốc gia phải hứng chịu tổn thất lớn cả về nhân mạng lẫn kinh tế. 70% số quốc gia trên thế giới với gần 18 triệu ca mắc COVID-19, gần 700.000 ca tử vong.      
   
Thấy rõ sức tàn phá khủng khiếp ấy, nhưng phải đến khi có sự xuất hiện trở lại của ca lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên ngày 26/7, nhiều người trong chúng ta mới thực sự cảm thấy bàng hoàng, thực sự cảm thấy rõ mối nguy hiểm của “giặc Covid đã ập đến cửa nhà mình” chứ không còn là chuyện “bên trời Tây” xa xôi nữa.

Bàng hoàng còn bởi, "Covid-19 đợt mới" chứa đựng quá nhiều điều đáng quan ngại. Lượng người trở về từ ổ dịch Đà Nẵng rồi tỏa đi hầu khắp các địa phương vừa quá lớn vừa khó kiểm soát đã khiến, khác hẳn với đợt đầu, lượng ca nhiễm gia tăng trong cộng đồng rất nhanh chóng. Không chỉ một vài trường hợp rải rác như trước mà có những ngày lên đến hàng chục, thậm chí hơn 30 ca nhiễm. Các ca bệnh xuất hiện liên tiếp, dồn dập tại nhiều địa phương, từ miền Bắc đến miền Trung, Tây Nguyên đến TP.HCM. Con số 620 bệnh nhân tính tới ngày 2/8 chắc chắn sẽ còn gia tăng không chỉ bởi lượng người trở về từ vùng dịch quá lớn (theo ước tính khoảng 1,4 triệu người đã từng đi đến Đà Nẵng trong 1 tháng qua) mà còn bởi như nhận định của GS.TS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam- "Virus SARS-CoV-2 có những biến đổi liên tục trong quá trình lan tràn ra toàn thế giới. Hiện tại, virus này có tới 99 chủng đã được biết, trong đó tại Việt Nam đã ghi nhận 6 chủng. Các biến chủng mới, bao gồm cả chủng vừa được phát hiện tại Đà Nẵng có tốc độ lây lan nhanh hơn gấp nhiều lần chủng SARS-CoV-2 cũ”. 

Không những lây lan nhanh, khó truy dấu, “Covid-19 đợt mới” còn chứng tỏ nguy hiểm gấp nhiều lần. Một điều không ai chờ đợi đã đến, chỉ trong mấy ngày qua, đã đón nhận liên tiếp các ca tử vong, dù nguyên nhân chính là bệnh nền phức tạp nhưng Covid-19 là một tác nhân làm trầm trọng hơn bệnh lý sẵn có.

Nhiều bệnh nhân đã phải viện tới ECMO (tim phổi nhân tạo)- liệu pháp mà chỉ ít các bệnh nhân Covid rất nặng đợt trước mới phải can thiệp. Các bác sĩ cũng đang lo ngại hội chứng "Bão cytokine"- hiện tượng hệ miễn dịch cơ thể phản ứng quá mức, giải phóng ồ ạt cytokine gây viêm, khiến các cơ quan nội tạng suy kiệt- chỉ từng xuất hiện với BN 91 người Anh- đang biểu hiện tại nhiều ca bệnh, khiến mọi sự can thiệp về máy móc đều trở nên khó khăn ở các bệnh nhân nặng đợt này.

Rõ ràng, cuộc chiến Covid lần thứ hai này cam go và thách thức hơn nhiều lần. Nỗi âu lo, phập phồng đang hiển hiện khó giấu trên gương mặt nhiều người, trong đó có tôi.


Các bác sĩ, nhân viên y tế viết tên lên áo để nhận ra nhau trong khu cách ly. Ảnh: Thu Hà.
 
Nhưng trong âu lo, trong những ngày bám chặt lấy mặt báo để theo dõi từng diễn biến khó lường của cuộc chiến tiếp theo với Covid-19, đã có những dòng tin, những bài báo, những câu chuyện khiến lòng tôi đau đáu... 

Là câu chuyện viết tên trên lưng áo của các y bác sĩ Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng. "Áp lực công việc, nhiều lúc không còn đủ hơi để có thể gọi rõ tên được nữa... Các nhân viên y tế không thể nhận ra nhau, nên họ phải viết tên lên sau lưng áo để phân biệt và có thể gọi tên". Điều mà trong hoàn cảnh bình thường, có lẽ chẳng mấy ai nghĩ đến. 

Là nỗi niềm của những nữ bác sĩ đang nuôi con nhỏ: "Đêm đầu cách ly, có những mẹ đã khóc vì nhớ con, vì sữa cương cứng khi không được cho con bú. Con thì nhớ mẹ, gọi điện thoại liên tục. Chúng đều hỏi khi nào mẹ được về với con".

Là nỗi âu lo của người khoác áo blouse trắng khi chẳng may vướng tai nạn nghề nghiệp bị lây nhiễm: "Lúc nhận kết quả xét nghiệm, người bị nhiễm nCoV lo lắng cho mình không bao nhiêu, nhưng lại lo cho ba mẹ và những người tiếp xúc liệu có bị nhiễm không, hàng xóm có kỳ thị không".

Là hình ảnh nữ bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng nhờ đồng nghiệp cắt tóc ngắn để tiện cho việc hỗ trợ chữa trị bệnh nhân Covid-19...

Là việc để kịp thời xử lý mọi tình huống ngay tại chỗ trong công tác phòng chống dịch, không khác gì thời chiến, Bộ Chỉ huy tiền phương của Bộ Y tế phục vụ công tác chống dịch do PGS.TS Nguyễn Trường Sơn- Thứ trưởng Bộ Y tế làm tổng Chỉ huy được thành lập tại “tâm dịch” Đà Nẵng...

Là việc không khác mấy hình ảnh những người chiến sĩ chi viện cho chiến trường năm xưa, những đoàn công tác với những cán bộ có kinh nghiệm chuyên môn cao nhất trên nhiều lĩnh vực từ điều trị, xét nghiệm, truy vết, điều tra dịch tễ, truyền nhiễm...  từ hàng loạt bệnh viện lớn, cộng với hàng ngàn sinh viên trường y… đã đến tăng cường cho Đà Nẵng, Quảng Nam….  

Là những chuyên gia đầu ngành hàng đầu tận tâm tận lực với 6 ca hội chẩn quốc gia chỉ trong 1 tuần, có những cuộc hội chẩn kéo dài đến 4- 5 giờ đồng hồ để kịp thời chia sẻ một cách khoa học, trách nhiệm trong công tác điều trị cho các bệnh nhân... 

Là những cuộc họp cách nhật của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quốc gia...

Là những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ với "Tinh thần là thần tốc, cương quyết, dồn mọi nguồn lực xử lý các ổ dịch".

Những câu chuyện, những hình ảnh, những nỗ lực, chỉ đạo quyết liệt ấy đã khiến tôi thấy nỗi âu lo, phập phồng vốn dĩ đang thường trực bỗng trở nên nhỏ bé... 

Và cũng từ những câu chuyện, hình ảnh, nỗ lực ấy, thấy bừng lên niềm tin, rằng phía trước, chắc chắn sẽ là một chiến thắng...


Những y bác sĩ từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đang sải bước trên hành lang Bệnh viện Đà Nẵng.
 
Nhưng niềm tin ấy sẽ rất khó trở thành hiện thực nếu không có sự đồng lòng, chung sức của toàn xã hội. 

Cuộc chiến ấy sẽ muôn phần cam go nếu tất cả chúng ta không lan tỏa thành công tinh thần: "mỗi người dân phải là một chiến sĩ, mỗi ngôi nhà, thôn, bản, xóm, làng, khu phố là một “pháo đài” chống dịch". 

PGS,TS. Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, nhận định, nguyên nhân dịch bùng phát trở lại chắc chắn là có sự lây lan từ bên ngoài khi có nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép, không qua kiểm dịch của ngành y tế, bên cạnh đó: "sự buông lỏng ý thức khiến dịch bùng phát lên mạnh mặc dù chính phủ vẫn luôn nhắc nhở phải nâng cao cảnh giác và đề phòng". 

GS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Điều trị Covid-19 Bộ Y tế, thì cho rằng, thời gian vừa qua đã đạt được 99 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Có thể vì thành tích này mà có tư tưởng ngủ quên trong chiến thắng. 

Thế nên, để những nỗ lực quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị; những hy sinh thầm lặng và cả những mất mát của những chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu không thành vô nghĩa, để tránh nguy cơ quá tải, kiệt sức của cả hệ thống y tế như nước láng giềng Philippines đang phải hứng chịu, để nền kinh tế không bị đổ gãy để ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống thường ngày... thiết nghĩ, những bài học phòng chống dịch, những nguyên tắc giãn cách xã hội... vẫn cứ phải tươi mới trong tâm trí mỗi chúng ta. 

Hồng Sâm - Theo: Công Luận