8 dấu hiệu tự kỷ ở trẻ cha mẹ cần biết

Tại Hoa Kỳ, thống kê cho thấy có hơn 3 triệu người dân bị ảnh hưởng bởi chứng rối loạn phổ tự kỷ (Autism Spectrum Disorder - ASD) và số lượng người bị rối loạn này trong dân số có xu hướng tăng lên trong những năm qua.


Rối loạn phát triển não bộ này có nhiều biểu hiện khác nhau. Dưới đây là 8 dấu hiệu tự kỷ phổ biến nhất ở trẻ mà cha mẹ có thể nhận diện để sớm để có sự can thiệp và hỗ trợ kịp thời của chuyên gia.

1. Trẻ có bất ổn với giao tiếp bằng ngôn ngữ

Trẻ có thể gặp khó khăn về ngôn ngữ vào một số thời điểm khác nhau trong sự phát triển của mình. Tuy nhiên, nếu khả năng giao tiếp ngôn ngữ của trẻ biểu hiện chậm và bất thường ở một số cột móc nhất định, bạn cần sự đánh giá của chuyên gia - theo TS.Paul Wang, phó chủ tịch và trưởng Trung tâm nghiên cứu y khoa Autism Speaks.

Các bất thường đó là: trẻ không có các cử chỉ như chỉ tay, vẫy tay khi được 12 tháng tuổi; không nói tiếng nào khi 16 tháng tuổi hay không nói được cụm từ có ý nghĩa khi 24 tháng tuổi.

2. Khó khăn trong tương tác xã hội

Trẻ khỏe mạnh luôn có sự kết nối với người khác như cười đáp lại người khác, ôm hay nhìn với ý nghĩa nào đó. Nếu bạn không thấy con cười hay có các biểu hiện vui vẻ khác khi 6 tháng tuổi thì trẻ có nguy cơ tự kỷ.

Tương tự, khi trẻ không bắt chước các âm thanh, điệu cười hay không có các biểu hiện khác trên gương mặt khi 9 tháng tuổi, bạn nên đưa trẻ đi khám.

Các tương tác bằng mắt cũng khó khăn với người ASD, điều này ảnh hưởng đến khả năng đọc và hiểu các biểu hiện trên gương mặt của người khác.

Trẻ bị tự kỷ gặp khó khăn khi ở cùng người khác và thường chỉ quan tâm đến các vật thể hơn con người - chia sẻ của chuyên gia trẻ tự kỷ Dana Wattenberg Khani, Trung tâm Autism Friendly Spaces.

Ví dụ, nếu bạn chỉ cho trẻ bức hình một quả bóng hay đưa quả bóng cho trẻ thì trẻ tập trung vào nó nhiều hơn là tương tác bằng ánh mắt với cha mẹ. Ngoài ra, trẻ cũng chỉ thích chơi một mình.

3. Mất khả năng nói hoặc các kỹ năng xã hội

Theo nghiên cứu, không nói năng và không giao tiếp khá phổ biến ở người bị tự kỷ. 1/3 trẻ bị tự kỷ thường không nói và giao tiếp.

Bất kỳ trẻ nào khi bị bệnh hay khó chịu đều giảm nói và biểu đạt ngôn ngữ trong vài ngày nhưng nếu các khả năng này mất đi trong nhiều ngày hơn thì bạn cần đưa con đến gặp chuyên gia, bác sĩ Wang nhấn mạnh.

4. Các hành vi lặp đi lặp lại

Liên tục vỗ tay, nhảy nhót, xoay tay; sắp xếp tới lui các đồ vật; lặp đi lặp lại các âm thanh, từ ngữ, cụm từ là những đặc trưng của trẻ tự kỷ.

5. Không có sự linh động

Trẻ tự kỷ có thể trở nên “dính chặt” với mệnh lệnh nào đó, hay làm gì đó một cách không có mục đích.

Khi chơi, trẻ dành nhiều giờ đồng hồ sắp xếp đồ chơi theo màu sắc hay kích cỡ thay vì chơi với chúng.

6. Có những điều ám ảnh hay quan tâm mạnh mẽ

Có sự quan tâm quá mức và hiểu biết sâu sắc về chủ đề không phổ biến nào đó cũng có thể là các dấu hiệu của tự kỷ, theo Autism Speaks. Một số ví dụ về các vật thể gây ám ảnh cho người tự kỷ là: máy quạt, máy hút bụi hay nhà vệ sinh; một số người tự kỷ là “chuyên gia chiêm tinh học”.

Trẻ lớn hơn hay người trưởng thành bị tự kỷ có thể phát triển sự ám ảnh với các con số, biểu tượng, ngày giờ hay các chủ đề khoa học.

7. Tiếp nhận mọi thứ một cách thuần túy

Người bị tự kỷ thường gặp khó khăn trong khả năng ngụ ý, ám chỉ hay hiểu các ý niệm và thành ngữ trừu tượng.

Ví dụ, ở các quốc gia nói tiếng Anh, khi bạn bảo trẻ ngồi xuống (take a seat), trẻ có thể hỏi bạn “Lấy cái ghế ở đâu?”. Trong tiếng Anh, take a seat - nghĩa câu chữ là “lấy cái ghế” nhưng ý nghĩa thật sự lại là “Hãy ngồi xuống”.

8. Các biểu hiện khác khác

Theo Autism Speaks, các chẩn đoán thường đi kèm với ASD là những rối loạn về đường tiêu hóa (dạ dày - ruột), rối loạn động kinh, rối loạn giấc ngủ, các vấn đề xử lý giác quan và “chứng ăn bậy” (pica) - sự thèm ăn đối những thứ không chứa dinh dưỡng và không ăn được như: kem đánh răng, tóc, giấy, thạch cao, sơn, kim loại, đá, đất, kính, phấn...

Bài viết: "8 dấu hiệu tự kỷ ở trẻ cha mẹ cần biết"
Đức Hòa/ Theo Reader’s Digest