Khai mạc triển lãm thư pháp Xuyên Việt

Đó là chủ đề của triển lãm thư pháp chữ Hán, Nôm của Họa sĩ (HS) Lâm Hán Thành, khai mạc vào sáng nay 23-11, tại Nhà trưng bày triển lãm TP (92 Lê Thánh Tôn, Q.1, TP.HCM).



Tâm kinh được thể hiện theo thể cuồng thư là tâm điểm của không gian triển lãm - Ảnh: Bảo Toàn
 
Hơn 60 tác phẩm gồm: kinh Phật, văn thơ Việt Nam, Trung Quốc với sự sáng tạo mới, thể hiện qua nhiều phong cách, kỹ pháp trên sự đa dạng của chất liệu và chủng loại giấy. Tất cả các tác phẩm được họa sĩ sáng tác trong năm 2012 với các thể loại chữ như: khải thư, hành thư, lệ thư, triện thư và thảo thư.

Đây là lãm cá nhân của Lâm Hán Thành lấy chất liệu văn học Việt Nam và Trung Quốc giai đoạn cổ trung đại, vận bút trở thành những tác phẩm thư pháp nghệ thuật và công phu. Đây cũng là triển lãm cá nhân đầu tiên của một họa sĩ trẻ khai thác di sản văn học chữ Nôm để làm chất liệu tạo nên những bức thư họa độc đáo.

 

Kinh Kim Cang

Tác phẩm kinh Phật “Kinh Kim Cang”, viết trọn bộ gồm 5.600 chữ được cách điệu thành một khung cửa sổ, rất công phu với kích thước khá lớn 170x170cm. Tác phẩm Tâm kinh bằng triển khắc in trên giấy xuyến. Tác phẩm bình phong gồm 6 bức cuồng thảo viết trọn bộ Bát Nhã Ba-la-mật-đa gồm 268 chữ. Đặc biệt, tác phẩm thư pháp chữ Hán lớn nhất là Tâm Kinh được thể hiện theo thể cuồng thảo với kích thước 160x370cm là điểm nhấn thú vị của không gian triển lãm.

 

Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan được thể hiện bằng
thư pháp chữ Hán và chữ Nôm trên cùng một tác phẩm - Ảnh: Bảo Toàn

4 bài thơ của Trần Nhân Tông được viết theo thể lệ thư; trích lục các bài thơ từ Việt Nam Hán văn tiểu thuyết: Trùng Lâm & Việt điện Ưu Linh tập; tác phẩm “Ngọc Tĩnh liên phú” của mạc Đỉnh Chi được thể hiện theo lối hành thư; “Vạn Kiếp tông bí truyền thư” của Trần Khánh Dư được thể hiện bằng khải thư; “Qua đèo ngang” của Bà Huyện Thanh Quan được thể hiện với bài Hán dịch và nguyên tác chữ Nôm trên cùng một tác phẩm để có sự so sánh. Các tác phẩm chữ Nôm: "Thương vợ" của Trần Kế Xương, "Phong Kiều Dạ Bạc" của Trương Kế; "Trung thu cảm sự" của Nguyễn Phi Khanh, "Nhớ nhà" của Bà Huyện Thanh Quan...Ngoài ra còn có tác phẩm văn học nổi tiếng của nhà văn, nhà thơ: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh, Lý Bạch, Nhan Chấn Khanh, Lâm Tắc Từ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Cao Bát Quát… qua bút pháp điêu luyện.

Triển lãm cũng trưng bày các tác phẩm triện khắc, văn phòng tứ bảo…



 

Khách đến thưởng lãm - Ảnh: Bảo Toàn
 

 

Những người yêu thích thư pháp đến dự khai mạc triển lãm

ĐĐ.Thích Trung Nghĩa, khách đến thưởng lãm cho biết, triển lãm của HS.Lâm Hán Thành rất thú vị bởi nhờ thư pháp người ta yêu văn học hơn. Và đặc biệt những ai đã từng biết qua những bộ kinh Phật, lần này sẽ rất bất ngờ bởi tác phẩm của HS.Lâm Hán Thành thể hiện sinh động với nghệ thuật điêu luyện và thể hiện dưới nhiều thể loại tạo nên sự đa dạng, không hề nhàm chán.

Triển lãm mở cửa từ 23 đến 25-11-2012.
 
H.Diệu