Ngôn ngữ của Thiền và Thi Ca Phần 2

Thơ của Trần Nhân Tông mang đậm hương vị của Thiền, những năm chưa xuất gia, Ngài đã là một người am tường về Thiền học, nên những khi hành quân gìn giữ non sông, Ngài vẫn thể hiện tính trầm tĩnh của một Thiền giả

Thiền sư Pháp Loa là người uyên thâm Thiền học, đồng thời có tài tổ chức các hoạt động Phật giáo thời bấy giờ, Ngài đã có công khai sáng viện Quỳnh Lâm và tu sửa nhiều tu viện khác. Ngài thường được vua Trần Anh Tông mời giảng kinh Pháp Hoa, kinh Viên Giác, Tuyết Đậu Ngữ Lục, Đại Tuệ Ngữ Lục và Thượng Sĩ Ngữ Lục của Tuệ Trung Thượng Sĩ và Thiền Lâm Thiết Chủy Ngữ Lục của Trần Nhân Tông. Ngài ít sáng tác thơ, nhưng hiện giờ vẫn còn ba bài: Nhập tục luyến thanh sơn, Thị tịch và bài Tán Tuệ Trung Thượng Sĩ, tất cả các thơ và văn của Ngài chủ yếu nói về Thiền học. Khi Ngài thị tịch đã để lại bài kệ:
Vạn duyên tuyệt đoạn nhất thân nhàn,
Tứ thập niên dư vọng ảo gian,
Trân trọng chư nhân hưu tá vấn,
Ná biên phong nguyệt cánh hoàn khoan.
 
Dịch:
 
 
Một thân nhàn nhã dứt muôn duyên,
Hơn bốn mươi năm những hão huyền,
Nhắn bảo các người đừng gạn gỏi,
Bên kia trăng gió rộng vô biên.

Sợi tơ vương vấn trong lao tù chấp ngã giờ đây đã cắt đứt, đi-về trong ba cõi đâu còn ngăn ngại. Thiền sư đã thể nhập đạo lý mầu nhiệm của sự sống, Ngài đã dạy các đệ tử của mình rằng hãy sống và tiếp xúc với thực tại chứ đừng bao giờ đặt những nghi vấn về sự mất còn, suy thịnh... Vũ trụ sẵn sàng đón nhận chúng ta, và chúng ta sẽ có những bước thảnh thơi nếu tất cả những mối nghi ngờ đều lắng xuống. Đất trời lồng lộng là nhà, ba cõi là quê hương và tất cả chúng sanh là bằng hữu, tất cả các pháp là trò ảo hóa, có gì để vướng mắc và khổ lụy.

Thời đại Lý Trần là thời hoàng kim của văn học Việt Nam và xuất hiện nhiều cao nhân trong Thiền uyển. Bởi vậy, văn học Lý Trần khác xa văn thơ đời Nhà Đường. Văn đời Lý Trần là lối văn biền ngẫu, lãng mạn nhưng rất oai hùng và mang đậm màu sắc của Thiền học. Nền văn học Lý Trần là nền văn học mới vùng lên từ ách nô lệ, cho nên mang đủ khí phách của những tâm hồn hùng tráng, đồng thời Thiền học là yếu tố quan trọng để nền văn học đó cất cánh bay cao, vượt lên trên những lối lãng mạn của khách phong trần thế tục đời Đường. Lý Bạch tài ba, sống lãng mạn bất cần thế sự, lãng mạn đến độ ngông cuồng, cái lãng mạn đó chỉ đủ can đảm để lao mình ôm trăng và quên đi những nỗi buồn thống khổ. Trăng trong thơ của Lý Bạch nói riêng và Trăng trong thơ Đường nói chung là một màu trăng ảm đạm, là ánh trăng phủ kín sương mờ, Trăng đẹp, nhưng Trăng đắm chìm trong hoài cổ, Trăng khát vọng mơ hồ. Ngược lại, Trăng trong thơ của Trần Nhân Tông là Trăng vô sự chiếu người vô sự. Trăng trong thơ Lý-Trần là ánh trăng Lăng Già chiếu thuyền Bát Nhã.

Tất cả đều gác lại sau lưng để mở ra một bầu trời tự tại. 1
 
BBT Vuonhoaphatgiao.com