Con vào dạ, mạ đi tu

Sinh thành và nuôi dưỡng được một người con nhân ái, hiểu được điều đúng sai và có sức khỏe tốt là mong muốn của mọi gia đình, nhất là những người mẹ. Người mẹ không chỉ ban tặng sự sống cho con mà còn là người ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sau này của con. Theo Phật giáo, tính cách của một đứa trẻ phụ thuộc vào 3 yếu tố sau:


1. Biệt nghiệp của thai nhi trong đời sống gần nhất

2. Tác động từ nhân cách người mẹ thông qua quá trình thai giáo cũng như thời gian nuôi dưỡng con khi còn nhỏ

3. Sự giáo dục của xã hội, gia đình, quá trình giao tiếp với những người xung quanh.

Như vậy, ngoài yếu tố biệt nghiệp của thai nhi, 2 yếu tố còn lại đều có thể thay đổi và lựa chọn được. Để nuôi dưỡng được một người con nhân ái, hiểu được điều đúng sai, chúng ta cần bắt đầu từ những ngày con còn trong bụng mẹ. Vì vậy mà dân gian có câu “con vào dạ, mạ đi tu”.

 “Con vào dạ”

Là khi mẹ bắt đầu cấn thai. Con là mầm sống trú ngụ trong tử cung của mẹ. Tử cung của mẹ là nơi an toàn nhất trên thế giới này, là nơi mẹ che chở cho con, là nơi mẹ truyền cho con dinh dưỡng để hình thành nên da thịt.

 “Mạ đi tu”

Không có nghĩa là xuống tóc, vào chùa gõ mõ tụng kinh mà chỉ có nghĩa là mẹ tự sửa mình, thay đổi mình.

1. Dinh dưỡng đúng cách trong thời kỳ thai dựng

 Ăn những thực phẩm an toàn cho cả mẹ và bé:

Không như khi còn “một mình”, có thể ăn uống tùy ý thích, khi đã mang con trong bụng, mẹ cần chú ý từng miếng cơm miếng nước. Chỉ một lần ăn món ăn không vệ sinh, chỉ một lần đau bụng hay ngộ độc thực phẩm cũng có thể ảnh hưởng khôn lường đến mầm sống trong bụng mẹ.

 Tránh những đồ có hại:

Trong thời kỳ thai dựng, mẹ cần tránh rượu và các chất gây nghiện. Những chất này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn có những tác động tới tâm lý, tư duy của mẹ và cả của con. Ví dụ, một người mẹ thường xuyên say xỉn sẽ sinh những đứa con chậm phát triển về trí tuệ. Triết gia Aristote cũng đã nói những người mẹ say sưa, điên khùng, thường sanh ra con lù đù, chậm chạp. Người mẹ cũng cần tránh khói thuốc lá, không được hút thuốc.

 Tránh nghiệp sát tối đa:

Những Phật tử đã được nghe giảng nhiều lần rằng trong những buổi lễ Tết, ngày chạp, ngày giỗ, không nên bày tiệc mặn linh đình bởi sẽ gây nghiệp sát rất lớn không chỉ cho người sống mà cho cả những người đã khuất. Hiểu được điều này thì chúng ta cũng cần ứng dụng để tránh nghiệp sát trong thời gian có thai. Gia đình không nên tổ chức tiệc tùng ăn mừng phô trương, thai phụ không nên tham gia nấu những buổi tiệc mặn lớn. Chỉ nên làm tiệc chay hoặc đãi tiệc ngọt (ăn bánh ngọt) mà thôi.

Nên ăn chay:

Những người ăn chay trường vẫn có thể tiếp tục ăn chay mà không sợ thiếu dinh dưỡng. Thực phẩm chay luôn có đủ dinh dưỡng cần thiết ngay cả trong thai kỳ và giai đoạn cho con bú nếu ăn đúng cách.

2. Làm chủ cảm xúc của mình
Người xưa từng nói, “cha mẹ hiền lành để đức cho con”. Người mẹ làm chủ được cảm xúc của mình trong thời kỳ thai dựng sẽ có rất nhiều lợi cho thai nhi trong bụng. Trong thời kỳ mang thai, do sự thay đổi về hóc-môn trong cơ thể cùng với một số nguyên nhân như: thấy mình mập hơn, xấu đi, già đi, sức khỏe lại không còn như trước, đôi lúc không chu toàn công việc ở công sở cũng như gia đình. Tất cả khiến người mẹ có tâm trạng lo lắng, cả nghỉ, buồn bực và tủi thân. Điều này là rất không có lợi cả về mặt y học và mặt tâm linh.

Lý do y học:

Tinh thần hay cảm xúc có ảnh hưởng rất lớn đến các bộ phận trong cơ thể. Tự chúng ta cũng có thể cảm nhận. Khi buồn, chúng ta thấy “cổ mình nghẹn đắng lại”, khi lo lắng, chúng ta thấy “bồn chồn trong dạ”, khi giận dữ, chúng ta thấy “máu sôi lên” hoặc “máu dồn lên mặt”, khi thất vọng, chúng ta thấy “tim tan vỡ”. Đó là những câu nói hình tượng nhưng phản ánh sự thật là cảm xúc của chúng ta có thể điều khiển những chức năng của cơ thể thông qua tuyến nội tiết – thực chất là những chất hóa học trong cơ thể. Đứa con trong bụng mẹ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi nội tiết của người mẹ. Vậy nên mỗi trạng thái cảm xúc của mẹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới người con trong bụng.

 Lý do về tâm linh:

Đứa con có mối dây liên hệ về tâm linh gắn bó với người mẹ. “Phúc đức tại mẫu”. Tâm linh của người mẹ như một bóng cây che chở cho tâm linh non nớt của đứa con. Một người mẹ có tâm lý không bình hòa giống như một chiếc cây có tán lưa thưa, không che được cho con. Một người mẹ hay nóng giận, hay sân si sẽ gieo những hạt giống sân hận vào trong tâm linh non nớt của đứa con từ khi còn trong bào thai hoặc đang còn nhỏ. Nhưng mầm mống sân hận này sẽ trở thành tính cách của con khi chào đời.

Do vậy, trong thai kỳ, mẹ cần thực tập thiền hành, thở sâu nhẹ nhàng, thiền định và nghe nhạc thiền để làm chủ thân tâm (nên tránh nhạc giật gân, gào thét và những giọng ca ủy mị, rên rỉ). Cần suy nghĩ lạc quan, không lo lắng nhiều.

Người chồng và những người khác trong gia đình cũng cần hiểu được tâm lý của người vợ để quan tâm nhiều hơn đến vợ, tránh vợ có cảm giác bị bỏ rơi, tủi thân. Cũng nên chia sẻ trách nhiệm nuôi dưỡng thai nhi trong bụng mẹ chứ không nên suy nghĩ rằng việc mang thai và sinh con chỉ là của người mẹ.

3. Hướng dẫn con quy y, học pháp

Thời kỳ thai dựng cũng là thời kỳ người con hình thành tính cách mặc dù chưa chào đời. Người mẹ cần hướng dẫn con những điều hay lẽ phải, dần dần học hỏi Phật pháp, sớm trở thành một Phật tử thuần thành.

Hạn chế sát sinh, nên ăn chay để nuôi dưỡng hạt giống từ bi trong lòng con.

Mẹ nên tạo thói quen đi thiền hành (phạn thực kinh hành): sau khi ăn cơm, mẹ đi bộ quanh nhà, bước nhẹ nhàng, an lạc vừa để tiêu hóa tốt, vừa giúp cân bằng cảm xúc cho mẹ.

Quy y cho con: khi mang thai xin quy y cho cả mẹ lẫn con (tốt nhất là đầu quý 3 của thai kỳ)

Nghe kinh hoặc các bài pháp thoại mỗi ngày: vừa giúp mẹ có thêm hiểu biết, vừa giúp con được tiếp xúc sớm Phật pháp

Tiếp tục tham gia Phật sự: không nên vì có thai mà bỏ những hoạt động Phật sự. Người mẹ vẫn nên đến chùa tham dự những khóa tu, nghe giảng kinh, làm Phật sự,… miễn là sức khỏe cho phép. Người cha cũng nên đồng hành với hai mẹ con.
Giác Hương Hạnh - Vườn hoa Phật giáo