Nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường: Người lưu giữ dấu ấn Thiền môn qua từng góc ảnh

350 ngôi chùa trong và ngoài nước, với hàng trăm pho tượng và nội thất kiến trúc tín ngưỡng trong nội điện vừa được nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường cho ra mắt trong sách Tượng Phật Việt Nam (Buddha statues in Vietnam).


Nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường giới thiệu cuốn sách ảnh

Tượng Phật Việt Nam không chỉ là một tập ảnh đơn thuần, mà còn là cuộc hành trình; ở đó, nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường mong mỏi sẽ chuyển tải tinh thần Phật giáo cũng như hình tượng chư Phật đến gần hơn với con người, không chỉ ở Việt Nam mà còn lan tỏa đến nhiều nơi trên thế giới.

* Thưa ông, với việc ra mắt tập sách ảnh Tượng Phật Việt Nam lần này, đối với ông điều gì là trở ngại lớn nhất trong khi thực hiện?

- Thẳng thắn mà nói, điều khó khăn nhất với tôi khi thực hiện tập sách ảnh Tượng Phật Việt Nam chính là việc tìm kiếm nguồn tài chánh để có thể tiến hành in ấn. Đây là tác phẩm mà tôi đã ấp ủ trong suốt 7-8 năm trời, sau khi đã được hoàn thiện từ khâu hình ảnh đến giới thiệu, dịch thuật, thì tới khâu in ấn lại vấp phải trở ngại lớn, vì không tìm được nguồn tài trợ nào.

Như chúng ta đã biết, hiện nay, văn hóa đọc ngày một bị hao mòn và sự thưởng thức tranh ảnh cũng bị cuốn theo công nghệ số hóa rất nhiều. Xu hướng ngày nay, người ta hoặc là tự thân đến chiêm bái các chùa, hoặc sẽ lên internet để tra cứu tìm hiểu, chiêm ngưỡng hình ảnh qua máy tính, điện thoại, chứ ít ai cầm sách ảnh để đọc, để xem. Bởi lẽ đó, nhu cầu in ấn nói chung và các ấn phẩm tôn giáo nói riêng càng khó nhận được tài trợ hơn.

Nhưng may thay, tôi có được những “người bạn đồng điệu”, không chỉ thấu hiểu cho niềm đam mê của tôi mà còn có tâm với Phật giáo, đó chính là nhạc phụ, vợ và các con tôi. Họ chính là những người đã gom góp và ủng hộ toàn bộ chi phí cho quá trình thực hiện, đến ấn tống 2.000 tập sách ảnh lần này, cùng chung tay với tôi trong tâm niệm cúng dường...

Ông có đặt ra tiêu chí nào cho việc tuyển chọn hình ảnh các tượng pháp, cơ sở tự viện trong tập sách này?

- Tiêu chí để tôi chọn ra những ngôi chùa chụp trong tập sách ảnh lần này, là tính đa dạng, phong phú về mặt kiến trúc và thờ tự của từng vùng miền, hệ phái. Đối với mỗi pho tượng trong tập ảnh cũng vậy, khi đến từng ngôi chùa, tôi được các vị trụ trì tại đây giới thiệu cho biết pho tượng nào là “bảo vật” hay tiêu biểu cho chùa để tiến hành chụp. Thêm vào đó, theo tôi nghĩ, tiêu biểu cho một ngôi chùa, để có thể giới thiệu khái quát chùa ấy bằng hình ảnh, chính là chánh điện. Vì vậy, mỗi ngôi chùa, điều đầu tiên tôi ghi nhận lại bằng máy ảnh là toàn cảnh ngôi chùa và chánh điện, trong chánh điện sẽ là tượng Phật được tôn trí trang nghiêm ở đấy.

* Có một số ý kiến cho rằng, nhiều pho tượng trong các chùa ở hải ngoại được giới thiệu trong tập sách là tượng pháp có nguồn gốc Đài Loan, Sri Lanka, không phải tượng Phật theo phong cách mỹ thuật Việt Nam. Ông có lý giải gì cho vấn đề này?

- Tượng thờ trong chùa Việt ở hải ngoại chủ yếu là được tạo tác tại Việt Nam, tất nhiên cũng sẽ có một vài tượng có tạo hình mang phong cách tượng Đài Loan, nhưng không nhiều, đây cũng là điều tôi muốn chuyển tải qua bộ ảnh của mình. Ở nước mình nói riêng và nước ngoài nói chung, Phật giáo Việt Nam bao gồm rất nhiều hệ phái, có Nam tông, Bắc tông, Hoa tông… vì vậy, tôi muốn chuyển đến người xem nguồn tư liệu từ cách bài trí tôn tượng, đến chất liệu, phong cách, kỹ thuật tạo tượng của nhiều thế hệ nghệ nhân khác nhau của Việt Nam cũng như thế giới trong các chùa theo từng hệ phái, vùng miền khác nhau như vậy. Từ đây cho thấy sự phong phú của tượng thờ Việt Nam tại chùa Việt.

* Là người có kinh nghiệm nhiều năm trong việc “tác nghiệp” và sở hữu kho tàng ảnh tư liệu về chùa chiền khắp ba miền và cả hải ngoại, ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm chụp ảnh của mình?

- Khi chụp ảnh ở những nơi thờ tự, hay các sự kiện liên quan đến tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng, cần hết sức ghi nhớ việc trang bị cho mình một tư thế, tác phong đứng đắn, chuẩn mực khi tác nghiệp. Tất nhiên, tùy vào môi trường và hoàn cảnh mà ta có những ứng biến khác nhau khi tác nghiệp, song, trong môi trường Phật giáo, cần thiết nhất là sự trang nghiêm, chỉn chu, chứ không thể nháo nhào, tùy tiện như khi chụp ở những môi trường khác. Ngoài ra, một người làm nhiếp ảnh, cũng cần trang bị cho mình kiến thức, đó là những kiến thức căn bản lẫn chuyên môn về nơi mình sẽ đến chụp, hoàn cảnh mình tác nghiệp.

Sau, phải nói đến nghệ thuật chụp, riêng với việc chụp ảnh chùa, không chỉ đơn thuần cầm máy lên và chụp khung cảnh này, ngõ ngách kia, rồi lựa ra tấm hình đẹp nhất. Với tôi, khi đặt chân đến bất cứ ngôi chùa nào, điều đầu tiên là phải có sự hiểu biết về lịch sử của nơi đó, và phải có cảm xúc...

Tôi cảm nhận được vẻ đẹp từ kiến trúc, cho đến mỹ thuật tạo tác nên từng bức tượng trong ngôi chùa ấy, mọi thứ hiện hữu sống động và chân thật như vậy từ trong tâm tôi, để từ đó tôi bấm máy. Bởi vậy, với tôi, không chỉ ghi lại hình ảnh tôi cho là đẹp, mà ở mỗi tấm hình còn phải là khoảnh khắc tôi rung động nhất. Vì vậy, có nhiều ngôi chùa, tôi chưa đặt để được cảm xúc của mình vào đó, buộc lòng tôi phải quay lại nhiều lần, tìm kiếm nguồn cảm xúc thực sự mới dám bấm máy chụp. Ngược lại, cũng có những ngôi chùa, tôi lui tới hàng trăm lần rồi, nhưng cảm xúc cứ dâng trào, vẹn nguyên, làm mình đã chụp rồi, cứ muốn chụp lại hết chỗ này đến chỗ khác.

* Với ông, tiêu chí nào để đánh giá một bức ảnh là đẹp?

- Mỗi người có một ý thức thẩm mỹ riêng, dẫn đến những đánh giá về cái đẹp của riêng họ, nhưng với cá nhân tôi, một bức ảnh đẹp không phải bức ảnh ai nhìn cũng khen đẹp, mà một bức ảnh đẹp là bức ảnh chứa đựng cảm xúc chân thật nhất, ẩn trong đó cái hồn của người thợ nhiếp ảnh, làm bức ảnh trừu tượng nhưng sống động. Vì vậy, với tôi, yếu tố tiên quyết là phải cảm được cái hồn của ngôi chùa ấy, hiểu được cái tinh túy mà bao nhiêu nghệ nhân, bao nhiêu bậc thiện tri thức, chư Tăng Ni đã khổ nhọc tích góp vào đó, bằng bàn tay khéo léo, bằng sự sáng tạo, bằng những thời kinh, công phu, bằng sức lao động… của chính họ vào từng nơi của ngôi chùa.

Như vậy, “đẹp” theo định nghĩa của riêng tôi về một tấm ảnh được chụp qua ống kính, là cái hồn toát ra từ bức ảnh ấy, còn “đẹp” mang tính thẩm mỹ bằng mắt thì như tôi nói, tùy vào cảm nhận mỗi người. Tôi vẫn ưu tiên tất cả cái đẹp từ tâm sanh hơn.

* Xin cảm ơn ông về những chia sẻ!

Nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường, nguyên quán tại tỉnh Thừa Thiên Huế, là tác giả của nhiều đầu sách, tập ảnh đã được xuất bản về danh lam cổ tự Việt Nam, từ năm 1990 đến nay. Ông cũng là nhiếp ảnh gia 5 lần ghi tên mình vào sách Kỷ lục Việt Nam. Mới đây nhất, tập sách ảnh Tượng Phật Việt Nam (Buddha statues in Vietnam) của ông tiếp tục được ghi nhận kỷ lục: Sách ảnh giới thiệu hệ thống tượng Phật, điện Phật ở các ngôi chùa Việt Nam, chùa Việt ở hải ngoại đầu tiên và nhiều nhất.

Tập sách ảnh Tượng Phật Việt Nam là công trình gồm 460 trang (cỡ 25cm x 25cm) giới thiệu hình ảnh điện Phật - tượng chư Phật, cùng chư vị đệ tử Phật, được tôn thờ ở 280 ngôi chùa trải dài từ Bắc vào Nam và 70 ngôi chùa Việt Nam ở nước ngoài (Ấn Độ, Nepal, Thái Lan, Canada, Hoa Kỳ, Pháp, Nga). Ở mỗi chùa, tác giả giới thiệu địa chỉ và thông tin ngắn về niên đại thành lập chùa, điện Phật và tượng thờ theo hình thức song ngữ Việt - Anh.